THU PHAP

Image

PHÚC (PHƯỚC)

Việc yên thuận, cảnh vừa ý, điềm tốt lành. Đồng nghĩa với: công đức. Trái nghĩa với: tội, hoạ, khổ. Những ai hiểu đạo lý, làm những việc lành, việc phải, việc chánh bằng thân thể, lời nói và ý tưởng thì đặng phước. Phước này đến cho mình trong đời này hoặc đời sau bằng những sự sang trọng, vinh diệu, giàu có, sống lâu, tốt tướng, yên ổn và mọi điều vui sướng.

Nhà tu hành có ba cách lập phước:

– Bố thí, cúng dường và nuôi dưỡng cha mẹ: Thí loại phước hay Thế phước.

– Trì giới, tức giữ Ngũ giới và Bát giới của hàng Tại gia, hoặc Thập giới và Cụ túc giới của hàng xuất gia: Giới loại phước hay Giới phước.

– Tu định, tức tụng đọc Kinh điển và ngồi thiền hoặc niệm Phật: Tu loại phước hay Hành phước.

Như vậy kêu là Tam phước.

Người tu hạnh Bồ Tát muốn mau thành Phật, nên tu luôn cả phước và huệ. Tu phước là làm các công đức, tế độ chúng sinh. Tu huệ là dùng thiền định mà diệt tận các phiền não, phá tan vô minh.

Như vậy kêu là phước huệ song tu.

***

Theo Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu thì: Những sự tốt lành đều gọi là Phúc. Kinh Thi chia ra năm phúc: Phú (giàu), An ninh (yên lành), Thọ (thọ), Du hảo đức (có đức tốt), Khảo chung mệnh (vui hết tuổi trời)

Nhìn chung Chữ Phúc bao hàm một lớp ý nghĩa rất rộng, gồm thâu, đứng đầu và đại diện cho ngũ phúc (Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh). Thâu tóm lại thì nó có nghĩa là những điều tốt lành; mà theo luật Nhân-Quả thì tạo Phúc sẽ được Phúc. Phúc có thể là cái nhìn thấy, cũng có thể là cái không nhìn thấy. Phúc là cái ta được hưởng do ta tự tạo (làm các việc thiện chẳng hạn) và cả cái phúc tạo được do tiền kiếp, tiền nhân,…

Bản chất của Phúc chỉ có một song ứng hiện thì vô vàn và gọi tên thì vạn trạng.

***

PHÚC ĐẢO (PHÚC ĐÁO-PHÚC ĐẾN)

Cứ tết đến nhiều người thích viết chữ Phúc lên giấy đỏ rồi dán ngược lên cổng lớn, trên cửa sổ hay trên tường. Con người ta vốn có ý nguyện theo đuổi hạnh phúc trong cuộc đời, cho nên việc dán chữ Phúc trong những ngày ăn mừng là điều có thể lý giải được. Song chữ Phúc đang ngay ngắn đoan trang, tự nhiên lại đem lộn ngược mà dán, cách làm như thế tất nhiên là cũng có lý do.

Tương truyền vị hoàng đế khai quốc của triều Minh là Chu Nguyên Chương khi đi thị sát dân chúng vào đêm 30 tết xem dân đen con đỏ đón tết như thế nào. Ra đường thấy nhà nhà đèn hoa rực rỡ, câu đối rợp trời và tất cả đều rất vui vẻ, tuy nhiên Chu đế chẳng thấy nơi nào ca ngợi công đức của mình cả nên rất bực tức. Có viên cận thần đưa ra ý kiến: lệnh cho bàn dân thiên hạ cắt một tờ giấy vuông màu đỏ viết lên đó một chữ Phúc rồi dán ở ngoài cổng nhà. Viên cận thần giải thích: Màu đỏ là nghĩa của chữ Chu, trên tờ giấy màu đỏ mà viết chữ Phúc rồi dán ở ngoài cổng thì tức là nguyện chúc hoàng thượng năm này qua năm khác được hạnh phúc. Chu Nguyên Chương nghe thấy có lý bèn lệnh cho tất cả các nhà đều phải dán ở ngoài cổng một chữ Phúc.

Hôm sau thấy khắp kinh thành chỉ có một vài chữ phúc, trong số đó còn có một nhà vì vội vã cho nên đã đem chữ Phúc dán ngược. Chu đế nổi giận ra lệnh tất cả các nhà không dán chữ Phúc đều bị chém đầu. Còn trường hợp dán chữ Phúc ngược chưa biết xử thế nào, định mang chém nốt, thì có một vị đại thần đứng cạnh nhà vua bật cười khà khà và luôn miệng khen “tốt” không ngớt. Nhà vua ngạc nhiên hỏi tốt chỗ nào thì vị đại thần mỉm cười giải thích: “Đảo” (treo ngược) là đồng âm với “đáo” (tới), “Phúc đảo” (Phúc lộn ngược) tức là “Phúc đáo” (Phúc tới). Là người dân thường muốn cầu chúc cho hoàng thượng đấy. Chu Nguyên Chương nghe thấy có lý vì thế không những không cho chém đầu người chủ nhà mà lại còn ban thưởng cho ông ta. Chuyện này được truyền lan trong kinh thành, rồi từ đó việc treo ngược chữ Phúc đã trở thành một tập quán.

Leave a comment